"

Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

Thứ tư - 29/03/2023 04:09 8.348 0
Sáng kiến "Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông" đã được UBND huỵện Cư Jút công nhận đạt sáng kiến cấp cơ sở năm 2022 theo Quyết định số 2422/QĐ-UBND ngày 29/11/2022.
Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

NỘI DUNG BẢN MÔ TẢ SÁNG KIẾN

       I. Thông tin chung về sáng kiến
      1. Tên sáng kiến: Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
       2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Chuyển đổi số trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã.
       3. Thông tin về tác giả:
      Tác giả: Nguyễn Thị Tâm.
      Chức vụ, đơn vị công tác: Công chức Văn phòng – Thống kê UBND xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
       4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến
       - Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.
       - Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.
       - Nhận thức và hiểu biết của người dân về chuyển đổi số, về các loại dịch vụ công trực tuyến.
       - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành (đặc biệt là người đứng đầu cơ quan); sự phối kết hợp giữa Đảng ủy và chính quyền địa phương và sự đồng thuận, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.
       - Sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
       5. Thời gian áp dụng sáng kiến lần đầu: năm 2022.
       II. Mô tả giải pháp truyền thống đã, đang áp dụng
      Xã Nam Dong mặc dù đã được trang bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhưng vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống là hồ sơ giấy; nhận thức của cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chung chung, mơ hồ, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tìm ra những biện pháp, cách làm hay để thực hiện.
        Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… ở một số thủ tục hành chính vẫn chưa được thực hiện. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Ví dụ như một số lĩnh vực có liên thông hồ sơ thuộc lĩnh vực Lao động TBXH nhưng lại chưa thực hiện được liên thông hồ sơ đối với thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ mới được khai sinh và thủ tục nhập sinh vẫn chưa được liên thông với nhau, người dân sau khi đăng ký khai sinh vẫn phải mang hồ sơ giấy đến bộ phận cấp thẻ bảo hiểm y tế và bộ phận nhập sinh để thực hiện đăng ký thẻ bảo hiểm y tế và nhập sinh; hay quy trình bên lĩnh vực Công an xã chưa thực hiện được liên thông hồ sơ do thay đổi các quy định của luật có liên quan nên quy trình trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh và quy trình chuyên ngành theo quy định của luật mới không thống nhất về thời gian tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
       Việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được triển khai. Tuy nhiên chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa.
Công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đến người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng dân trí không đồng đều, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (33%) nên phần lớn chưa sử dụng được dịch vụ công trực tuyến và một phần do người dân ngại thay đổi cách giao dịch hành chính truyền thống.
       III. Mô tả sáng kiến
      Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, UBND xã Nam Dong đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, xã Nam Dong xác định bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, “không địa giới hành chính”; đổi mới, nâng cao hiệu quả của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn xã theo xu hướng chuyển đổi số, tối ưu hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xử lý công việc trên môi trường điện tử, cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công việc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số sẽ hạn chế được tiêu cực, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, đúng như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyển đổi số lần thứ nhất và công bố Ngày chuyển đổi số ngành công an do Bộ công an tổ chức vào ngày 10/10/2022: “Chỗ nào kết nối, chia sẻ dữ liệu tốt thì sẽ thúc đẩy công việc suôn sẻ hơn. Chúng ta thực hiện công việc hành chính trên môi trường số sẽ hạn chế được tiêu cực”.  

       Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và Nghị định sô 107/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính, UBND xã đã thường xuyên kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm 2022, chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98%, khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 95,5%.
       1. Đánh giá hiện trạng các giải pháp trước khi áp dụng giải pháp mới

       - Khó khăn:
      Từ năm 2021 trở về trước, xã Nam Dong mặc dù đã được trang bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhưng vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống là hồ sơ giấy; nhận thức của cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chung chung, mơ hồ, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tìm ra những biện pháp, cách làm hay để thực hiện.
       Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… ở một số thủ tục hành chính vẫn chưa được thực hiện. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Ví dụ như một số lĩnh vực có liên thông hồ sơ thuộc lĩnh vực Lao động TBXH nhưng lại chưa thực hiện được liên thông hồ sơ đối với thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ mới được khai sinh và thủ tục nhập sinh vẫn chưa được liên thông với nhau, người dân sau khi đăng ký khai sinh vẫn phải mang hồ sơ giấy đến bộ phận cấp thẻ bảo hiểm y tế và bộ phận nhập sinh để thực hiện đăng ký thẻ bảo hiểm y tế và nhập sinh; hay quy trình bên lĩnh vực Công an xã chưa thực hiện được liên thông hồ sơ do thay đổi các quy định của luật có liên quan nên quy trình trên phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh và quy trình chuyên ngành theo quy định của luật mới không thống nhất về thời gian tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
       Việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được triển khai. Tuy nhiên chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa.
Công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đến người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng dân trí không đồng đều, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (33%) nên phần lớn chưa sử dụng được dịch vụ công trực tuyến và một phần do người dân ngại thay đổi cách giao dịch hành chính truyền thống.
      - Thuận lợi:
      Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của tỉnh, huyện, của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, trong đó đóng vai trò quan trọng là các cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại bộ phận một cửa xã, từ đầu năm 2022 đến nay công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số đã được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ; lấy Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã là trung tâm để chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.
       2. Mục đích giải pháp mới
      Thứ nhất: Nhằm gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, tạo cơ sở dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; nhằm tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, mở rộng phạm vi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động tại bộ phận một cửa.
       Thứ hai: Nhằm cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đổi mới cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong hệ thống chính trị và tất cả cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.  
       Thứ ba: Đưa bộ phận một cửa của xã trở thành trung tâm của chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân được tốt hơn; đảm bảo tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức sẽ được cụ thể hóa.
       3. Nội dung cơ bản của giải pháp

       Xã Nam Dong đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính quyền. Bản thân tôi với vai trò là công chức Văn phòng – Thống kê, Tổ trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tôi đã luôn nghiên cứu các văn bản của cấp trên, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND xã và luôn tìm tòi, học hỏi những cách làm hay của bạn bè, đồng nghiệp, của cơ quan, tổ chức khác về lĩnh vực chuyển đổi số, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số và cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, “không địa giới hành chính”. Đây là lĩnh vực bản thân được phân công phụ trách nên tôi đã nghiên cứu, tìm tòi, tham mưu cho lãnh đạo UBND xã một số nội dung đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cụ thể như sau:
        Nội dung thứ nhất: Tập trung triển khai hạ tầng số; nâng cấp, tái cấu trúc hệ thống mạng nội bộ; nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, máy tính; triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, tích cực xây dựng và phát triển hệ thống truyền thanh thông tin tuyên truyền đa dạng bằng nhiều hình thức; tăng cường hệ thống camera an ninh, giám sát tại bộ phận một cửa, trụ sở UBND xã và tại những nơi công cộng hay xảy ra điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
        Nội dung thứ hai: Xác định đối tượng trọng tâm của chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
       Nội dung thứ ba: Đẩy mạnh chuyển đổi về nhận thức, nhất là người đứng đầu; đồng thời tham mưu xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, các kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức và người lao động xã, đặc biệt là cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa. 
        Nội dung thứ tư: Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đây là vấn đề sống còn vì đối với mỗi cá nhân, rủi ro lớn nhất là lộ lọt dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. 
       Nội dung thứ năm: Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần, giảm thời gian giải quyết trung bình từ 40-60% thời gian so với quy định. Hiện nay có 204 quy trình thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001:2015 (trong đó có 15 quy trình chung và 189 quy trình thủ tục hành chính) đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết đối với từng thủ tục hành chính, gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức chuyên môn về kết quả giải quyết trong các bước và được tích hợp với Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Một cửa điện tử của tỉnh để thực hiện theo dõi, giám sát, giải quyết. Nhờ đó, lãnh đạo UBND xã và Tổ trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời kiểm tra, nhắc nhở tránh để hồ sơ trễ hạn, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
       Nội dung thứ sáu: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ như: tích cực sử dụng chứng thư số, chữ ký số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành office; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống Một cửa điện tử; sử dụng phần mềm chuyên ngành, nâng cấp trang thông tin điện tử của xã, thiết lập các kênh truyền thông trên các mạng xã hội nhằm đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa UBND xã và người dân góp phần thúc đẩy mỗi người dân trở thành một “công dân số”.
       Nội dung thứ bảy: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn cho các doanh nghiệp, người dân biết được những tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
       Nội dung thứ tám: Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số để từng bước thành công dân số, hướng đến chính quyền số, tạo sự hài lòng cao của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
       Bên cạnh đó, UBND xã cũng có nhiều giải pháp đổi mới về chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính được bộ phận một cửa triển khai thực hiện có hiệu quat như việc niêm yết các thủ tục hành chính bằng mã QR; sử dụng biên lai thu phí, lệ phí điện tử; biên tập và phát hành một số bài viết tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và có một chuyên mục riêng về chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử của xã; xây dựng kênh tuyên truyền Zalo OA chuyển đổi số xã Nam Dong,... đây cũng là một trong các nội dung giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội.
        4. Các bước thực hiện giải pháp

       - Bước 1: Tập trung nghiên cứu các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện; xác định đối tượng trung tâm của chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính để tham mưu xây dựng kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ.
       - Bước 2: Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã, các Tổ công nghệ số cộng đồng của xã và thôn để chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
       - Bước 3: Giao công chức Văn hóa – Xã hội chủ trì, phối hợp với công chức Văn phòng – Thống kê, Tổ trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số và các Tổ công nghệ số công đồng của xã và thôn tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động cơ quan, đặc biệt là cán bộ công chức làm việc tại bộ phận một cửa và người dân về tiện ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính.
       - Bước 4: Các cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tham mưu UBND và lãnh đạo UBND xã giải quyết hồ sơ theo đúng trình tự, đảm bảo quy định nhằm tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước hạn và đúng hạn, đặc biệt là tỷ lệ giải quyết trên môi trường điện tử.
        5. Tính mới, tính sáng tạo
       - Loại bỏ dần dần hồ sơ giấy trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thay vào đó là việc tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trên môi trường điện tử; các thủ tục hành chính được liên thông và thống nhất với nhau trên các phần mềm chuyên ngành, phần mềm Một cửa điện tử và trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt khi dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng hoàn chỉnh người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ chỉ kê khai thông tin cá nhân một lần duy nhất và thông tin đó sẽ được sử dụng cho các thủ tục hành chính tiếp theo.
       - Tất cả các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đều được số hóa, rất thuận lợi cho việc lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, tra cứu hồ sơ.
       - Người dân, doanh nghiệp khi muốn giao dịch hành chính sẽ không cần phải đến trực tiếp cơ quan, tổ chức, bộ phận trực tiếp thụ lý hồ sơ để yêu cầu và nhận kết quả, cũng không cần phải gò bó thời gian bắt buộc là giờ hành chính mà có thể ở tại nhà hoặc ở mọi lúc, mọi nơi và trên các phương tiện khác nhau như: ipad, máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính.
       - Người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ không cần phải gặp mặt tiếp xúc trực tiếp khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính, điều này sẽ hạn chế được nạn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính.
       - Xác định trung tâm của chuyển đổi số tại UBND xã là bộ phận một cửa.
        6. Khả năng áp dụng, nhân rộng
        Có thể áp dụng rộng rãi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn.
       7. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến
      Tiếp thu và thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện về đẩy mạnh chuyển đổi số nói chung, đặc biệt là chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, ngày 29/12/2021 UBND xã Nam Dong đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn xã Nam Dong với mục tiêu tổng quát “Chuyển đổi số trong toàn bộ các ban, ngành, các tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của xã, xây dựng chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, an toàn và hiện đại”; ban hành Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 12/7/2022 về Kế hoạch Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn xã Nam Dong năm 2022 với mục tiêu “Hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng Chính quyền điện tử xã Nam Dong nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, dựa trên dữ liệu số tạo cơ sở để phát triển Chính quyền số; Cơ bản triển khai các mô hình bảo đảm an toàn thông tin 4 lớp và các biện pháp an ninh mạng”. Như vậy có thể thấy, năm 2022 xã Nam Dong tập trung chủ yếu vào xây dựng và hoàn thiện Chính quyền điện tử, chính vì thế công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được đặc biệt chú trọng; 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận một cửa xã đã được số hóa, được ký số và luân chuyển giải quyết trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh (trừ các thủ tục hành chính mang tính đặc thù của lĩnh vực công an); 100% hồ sơ tiếp nhận được nhập số hóa, tạo thuận lợi trong thống kê, trích xuất dữ liệu, theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết.

        Kết quả đã tiếp nhận và giải quyết được 6.821 hồ sơ các loại, trong đó: lĩnh vực Tư pháp 5.220 hồ sơ (Cụ thể đăng ký hộ tịch: Đăng ký khai sinh và khai sinh lại được 344 trường hợp, khai tử 76 người, kết hôn 116 cặp vợ chồng, thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch 14 trường hợp, nhận cha mẹ con 05 trường hợp, xác nhận tình trạng hôn nhân 497 trường hợp. Chứng thực các loại hợp đồng theo quy định 92 hồ sơ, bao gồm: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất 55 hồ sơ, trường hợp khác 37 hồ sơ, chứng thực chữ ký 16 hồ sơ và chứng thực bản sao là 4.076 trường hợp = 12.008 bản); lĩnh vực Địa chính, xây dựng 853 hồ sơ; lĩnh vực bảo trợ xã hội và người có công 71 hồ sơ; lĩnh vực Công an xã 677 hồ sơ. Nhìn chung các loại hồ sơ của công dân đều được giải quyết một cách nghiêm túc, khoa học, đúng quy định và không có hồ sơ trễ hạn.
        Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2022, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, huyện, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã xây dựng quy trình 5 bước trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công an hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) gắn với việc ký số trong tất cả các bước giải quyết, thực hiện các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ; việc số hóa hồ sơ bảo đảm được lưu trữ đầy đủ, từng bước xây dựng, hoàn thiện giải pháp tích hợp, chia sẻ, kết nối liên thông trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công để có thể trích xuất dữ liệu của tổ chức, cá nhân để tái sử dụng trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu “đủ, đúng, sạch, sống”. Kết quả đã phát sinh 15 hồ sơ trực tuyến thuộc lĩnh vực Công an xã (trong đó có 13 hồ sơ đủ điều kiện và 02 hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết và đã có thông báo đến công dân). Đây là kết quả đáng khích lệ cho thấy việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là việc cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã đã đạt được những kết quả tích cực, các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường điện tử đã từng bước có hiệu quả.
       Cùng với hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, bộ phận một cửa xã đã triển khai thực hiện thu phí, lệ phí bằng hình thức biên lai điện tử.
       8. Hiệu quả
       8.1. Hiệu quả kinh tế
       Giúp người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính rút ngắn được tối đa thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại, từ đó có nhiều thời gian hơn để lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
      Giúp cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính giảm thời gian, chi phí, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
       8.2. Hiệu quả về mặt xã hội
       Chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tiêu cực, tham nhũng.   
       Giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, mang lại một loạt tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ cắt giảm được khoảng cách địa lý và thời gian khi giao dịch các thủ tục hành chính, từ đó có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn. Chính phủ, tỉnh, huyện và địa phương nhờ dữ liệu số và công nghệ số sẽ thấu hiểu người dân hơn, vì vậy sẽ cung cấp các dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân được tốt hơn. Ngược lại người dân ngày càng tin tưởng và đồng thuận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; tạo tiền đề để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây