"

Giới thiệu chung

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG CỦA XÃ NAM DONG
1.Vị trí địa giới

1.1.Vị trí: Xã Nam Dong nằm ở phía Bắc huyện Cư Jút, phía Đông Bắc của tỉnh Đắk Nông, phía Tây Nam của tỉnh Đắk Lắk, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 120 km về phía Nam, theo quốc lộ 14, nằm về phía Bắc của huyện Cư Jút dọc theo trục giao thông liên xã, nối từ thị trấn Ea T’Ling qua xã Tâm Thắng, cách trung tâm huyện Cư Jút khoảng 10 km.

1.2. Địa giới

- Phía Bắc giáp xã Eapô và xã Đăk Wil.

- Phía Nam giáp xã Trúc Sơn, xã Cư Knia và Thị Trấn EaTling.

- Phía Đông giáp xã Tâm thắng và Thành phố Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk.

- Phía Tây giáp xã Đăk Drông.

2. Diện tích tự nhiên: Có diện tích tự nhiên là 4.373,07ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 3.795,77 ha, tập trung chủ yếu các loại cây cà phê, tiêu, cao su, điều và cây ăn quả là 1.623 ha, chiếm 42,76 % đất nông nghiệp; đất trồng cây hàng năm và lúa nước là 1646,78 ha, chiếm 43,38 % đất nông nghiệp. Nam Dong có địa hình đa dạng, đất đai phì nhiêu nên có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp, nhất là cây cao su, cà phê, hồ tiêu … và cho việc phát triển vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm nông nghiệp, như: đậu phụng, đậu tương, rau các loại…

3. Dân số: Dân số toàn xã tính đến ngày 15/11/2019 có 4.368 hộ = 18.113 khẩu, trong đó số hộ có mặt tại địa phương 3.439 hộ = 16.690 khẩu, số hộ vắng mặt không có mặt tại địa phương 929 hộ, chia thành 19 thôn.Có 02 tôn giáo: Phật giáo và Công giáo. Có 14 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.

4. Đặc điểm khí hậu: Nam Dong chịu sự chi phối của địa chất kiến tạo của tỉnh Đắk Nông. Lượng mưa lớn, mang đặc điểm khí hậu của cao nguyên nhiệt đới gió mùa, quanh năm khí hậu khá mát mẻ. Nhiệt độ trung bình 23 - 24oc, vào mùa khô, tháng 1, 2 trời se lạnh. Nam Dong có diện tích tự nhiên trải dài trên vùng đất tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 350m- 400m so với mặt nước biển. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.700 – 1800mm, độ ẩm trung bình 85%, số giờ nắng trung bình trên 2.288 giờ. Do ảnh hưởng của gió mùa, nên hình thành hai mùa (mùa mưa và mùa khô) rõ rệt. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mưa tập trung vào tháng 7, 8, 9, nhưng không có bão, thuận lợi cho việc trồng trọt và thu hoạch mùa màng.

Dọc theo thôn 9 và thôn 11 có con suối Cạn (suối Ea Tia), bắt nguồn từ hồ Đắk Drông; chạy dài theo thôn 12 và thôn 16 có dòng sông  Sêrêpốk chảy qua với nhiều thác ghềnh, có thể xây dựng thủy điện. Đặc biệt, xã Nam Dong, huyện Cư Jút có một số hang động nằm trong quần thể Công viên địa chất núi lửa Krông Nô tỉnh Đắk Nông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và văn hóa của địa phương trong thời gian tới.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây