Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn giúp các cơ quan nhà nước giải quyết công việc một cách nhanh chóng, khoa học, tăng tính minh bạch, công khai và nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tránh sự phiền hà, nhũng nhiễu của công chức thực thi công vụ.
Trước đây, theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì dịch vụ công trực tuyến được chia làm 04 mức độ. Từ ngày 15/8/2022, thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, “Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ như sau:
a) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
b) Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật”.
Để góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyền truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn những lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện, Ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận… thực hiện chuyển trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, cung cấp các điểm truy cập Internet công cộng, hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực dân cư đế người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Hai là, hoàn thiện quy trình cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó quy định rõ việc xác thực thông tin của cá nhân, tổ chức khi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính kể từ lần giao dịch thứ 2; quy định rõ thời gian phản hồi khi tiếp nhận yêu cầu; phương thức hỗ trợ; tính chính xác của kết quả. Quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến phải gắn với quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với thực tế cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ba là, đẩy mạnh rà soát và công khai các thủ tục hành chính trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện chuẩn hóa và xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định các thủ tục hành chính có thể được cung cấp trực tuyến. Ví dụ như tiêu chí về mức độ thường xuyên được sử dụng của dịch vụ công trực tuyến; tính khả thi khi thực hiện; nguồn lực và tính hiệu quả… Thông qua quá trình rà soát, cần xác định những thủ tục hành chính nào không thích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến để có các giải pháp xử lý phù hợp góp phần cung cấp dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả.
Bốn là, hoàn thiện, nâng cao giao diện của Cổng Dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi và dễ thao tác thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt là xây dựng, duy trì hoạt động Cổng Thông tin điện tử của chính quyền cấp xã và các trang mạng xã hội (như zalo, facebook…) của Ủy ban nhân dân cấp xã để tăng cường tương tác, hướng dẫn cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, cần tăng cường cập nhật thông tin và các dữ liệu về hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến dịch vụ công trực tuyến.
Năm là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các vấn đề về an toàn, an ninh trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công việc. Đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Sáu là, đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phân bổ kinh phí để duy trì chất lượng đường truyền riêng phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng và thực hiện cải cách thủ tục hành chính nói chung. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính liên thông trên môi trường điện tử.
Thêm vào đó, để thực hiện dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả, chính quyền địa phương cần tích cực và đưa vào hoạt động các Tổ chuyển đổi số cộng đồng góp phần hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những yêu cầu mang tính khách quan không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do vậy, ngoài các giải pháp nói trên, để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương, sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo mục tiêu đã đặt ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ./.
Tin, ảnh: GS (t/h)
|